Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Bốn chục ngàn xem xiếc và tiếng khóc trẻ thơ

Một câu chuyện có thật ở Hà Nội, trường mầm non nọ thu 40.000 đồng/học sinh để tổ chức cho các cháu xem xiếc, nhưng vì không phải tất cả cùng đóng nên các cô bắc loa yêu cầu cháu nào không đóng tiền thì phải ngồi trong lớp. Và những đứa trẻ đã khóc...
Nguyên văn câu chuyện được một vị phụ huynh kể trên trang mạng xã hội thế này: “Nhân kỉ niệm ngày 2.9 trường mầm non T.M – A (Hà Nội) tổ chức cho các con xem xiếc tại sân trường. Chi phí phải đóng của mỗi con là 40 ngàn đồng. Phụ huynh các bạn nhỏ hồ hởi đóng góp cho con. Sáng 30.8, đoàn xiếc về trường, nhạc tưng bừng phấn khởi.

Ảnh có tính chất minh họa
Từ phòng giám hiệu, tiếng cô giáo trên loa tròn vành rõ chữ : Alo, alo, đề nghị các vị phụ huynh cho con khẩn trương vào trường ổn định chỗ ngồi vì đã sắp đến giờ biểu diễn. Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp học không được ra sân.
Thảng thốt nghe đâu đó tiếng khóc, tiếng sụt sịt, tiếng xì mũi, tiếng nấc của những đứa trẻ mà bản thân chúng nó không hiểu sao bố mẹ không đóng nổi cho nó bốn chục ngàn…”
Tôi đã khóc khi biết câu chuyện này. Thật khó hình dung một ứng xử tàn nhẫn và lạnh lùng như thế lại xảy ra trong một trường mầm non ngay giữa thủ đô. Nó cho thấy trong nhà trường bây giờ, nhiều thầy cô, những bậc được tôn kính gọi là “kỹ sư tâm hồn” đã trở thành cái máy thật rồi. Những cỗ máy không có trái tim, vì nếu là người, ai lại làm như thế.
Tôi đặt ra trường hợp thế này, để thuê đoàn xiếc về trường biểu diễn cho trẻ xem, cần một số tiền là A, mặc dù không phải tất cả phụ huynh đều đóng tiền cho con (vì nhiều lý do, có thể quên hoặc gia đình không có điều kiện) nhưng trường cũng vẫn thu đủ số tiền là A. Bởi bằng chứng là vẫn có đoàn xiếc về trường diễn. Vậy thì tiếc gì một chỗ ngồi mà không cho tất cả con trẻ đều được ra xem?
Nếu đó là những giáo viên có tình người, tất cả các cháu đều được mời ra xem xiếc, mà không cần phải có một thông báo gì hết. Còn giả sử, có máy móc một tý, các cô vẫn có thể nói với các con rằng: “Mặc dù có những bạn không đóng tiền, nhưng các bạn khác đã đóng đủ tiền để cho tất cả các con được xem xiếc hôm nay. Các con hãy vỗ tay cảm ơn các bạn mình vì điều đó và nhớ rằng, trong cuộc sống, chia sẻ với người khác, niềm vui và hạnh phúc sẽ nhân lên”.
Vậy mà cả hai trường hợp đáng lẽ xảy ra đã không xảy ra, chỉ có một thông báo lạnh lùng: “Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp học không được ra sân”. Than ôi, công bằng nào ở đây. Những đứa trẻ như búp non, vắt mũi còn chưa sạch thì chúng cần quái gì cái thứ công bằng gớm ghiếc xấu xí đó của người lớn?
Tôi cứ hình dung ra hoàn cảnh những đứa bé bị nhốt trong lớp học vào cái buổi diễn xiếc ấy mà thấy lòng đau thắt. Chúng khóc, hẳn nhiên rồi, làm sao những đứa bé non nớt ấy không khóc cho được khi thấy các bạn bè hò reo vui vẻ ngoài sân, còn chúng thì phải ngồi ở đây. Đứa bé bỏng chưa hiểu chuyện thì ngơ ngác, đứa lớn hơn một chút sẽ biết, vì cha mẹ chúng đã không nộp 40.000 đồng. Chao ôi, có khi nào đồng tiền bốc mùi tanh lạnh như lúc này không?
Mục đích cao cả nhất của giáo dục, theo tôi không phải kiến thức, mà là sự khai phóng và giúp con người ta hiểu thế nào là lòng nhân ái. Vậy mà trong nhà trường này, ở cấp học mà đối tượng học trò cần nâng niu nhất, lại ứng xử theo kiểu “tiền trao cháo múc”, ráo hoảnh lạnh lùng. Có tiền thì được phục vụ, còn không tiền thì xin mời nghỉ cho khỏe.
Những đứa bé ấy, lớn lên sẽ nghĩ gì, sẽ học được gì từ bài học đắt giá mà các giáo viên đã dạy cho chúng, rằng trong cuộc đời này, chỉ có đồng tiền là tối thượng, còn lại tất cả đều vô nghĩa mà thôi.
Sự vô cảm chưa lúc nào lại tràn ngập khắp nơi trong xã hội này, đến mức có cảm giác, nhiệt độ dòng máu nóng ấm chảy trong cơ thể chúng ta, cứ mỗi ngày, mỗi ngày lại nguội đi một chút. Thấy người cơ nhỡ hoạn nạn không chút xót thương, thấy người làm một việc tốt lành tử tế thì ngay lập tức nghi ngờ, không biết nó có định bẫy gì mình không. Nhiều người trong chúng ta đang dần dần hóa đá mà không biết.
Câu chuyện về buổi xem xiếc trong trường mầm non này, tôi ước sao có thể đến được với các vị lãnh đạo của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, không phải để truy ra trường nào mà phê bình, trừng phạt. Chỉ cần các vị lấy đó làm một trường hợp cụ thể để cho các giáo viên thảo luận cùng nhau, chúng ta ứng xử như vậy đã đúng với tư cách của những người đang làm trong môi trường giáo dục, trồng người hay chưa. Chắc sẽ có ích cho các thế hệ tương lai nhiều lắm đấy.
Cái khó nhất và cần phải hướng tới trong xã hội này, không phải là một cuộc sống ngày càng no đủ, sung sướng phủ phê hơn mà chính là những ứng xử nhân văn, là tình người. Thiếu nó, mọi thứ vật chất chỉ là của phù vân bèo trôi nước nổi.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Gia đình - ngọn lửa thiêng

Ấy là giây phút, người nam, người nữ tay trong tay bước về một mái ấm. Là giây phút người mẹ trong cơn đau sinh thành vẫn mỉm nụ cười hạnh phúc, còn không xa ngoài kia, người cha khóc vì nỗi xúc động nghẹn ngào. Là giây phút đứa trẻ bập bẹ những tiếng đầu tiên, gọi cha, gọi mẹ..

Điều gì khiến người nhạc sĩ viết nên bài ca hay nhất, người họa sĩ vẽ nên bức tranh tuyệt tác nhất? Điều gì khiến tên tử tội phải rơi nước mắt? Điều gì khiến ta vững bước trên hành trình không ít chông gai? Khiến ta cố gắng làm việc mỗi ngày, vượt qua mọi nhọc nhằn, cơ cực? Khiến ta biết dừng bước khi làm điều chưa phải?
Ở nơi nào, ta đã bước đi những bước đầu tiên? Nơi nào là nơi phản chiếu trung thực nhất chân dung của chính mình? Nơi nào là nơi ta muốn quay về khi rã rời, mỏi mệt? Nơi nào làm nên niềm thương, nỗi nhớ khi ta xa xôi? Nơi nào ta ước ao được nằm xuống trong phút chia xa với thế giới này?
Ai là người đã đánh dấu sự lớn lên của ta bằng những vạch phấn trên tường nhà? Đã mong mỏi cho ta một lối ra với cuộc đời rộng lớn? Là người đã dành tình yêu cho ta, không đòi hỏi sự đáp đền? Là người mỉm cười nhiều nhất vì ta, rơi nước mắt nhiều nhất vì ta? Ai là người sẵn sàng đón ta lầm lỗi trở về trong vòng tay chở che ấm áp, cho ta một vòng tay, một bờ vai nương tựa?
Tất cả những điều tuyệt diệu ấy mà chúng ta có được, còn ở nơi nào khác hơn, là chính gia đình?
Thật thiệt thòi cho ai, vì lẽ gì đó, không có gia đình. Cũng thật đáng trách cho những ai đã làm tuột rơi điều tuyệt vời mà thượng đế ban tặng.
Hãy giữ lấy ngọn lửa thiêng ấy, khơi sáng nó bằng bàn tay dịu dàng của người Mẹ, bằng vồng ngực rắn chắc của người Cha. Hãy là “hai tiếng lung linh” như trong lời bài hát, là nơi ấm áp trái tim quay về.
Trên đời này, thử hỏi có gì đẹp đẽ hơn bức tranh, bên vành nôi em bé nghiêng xuống hai mái đầu cha, mẹ? Hình như giây phút ấy, trong chiếc nôi kia, đứa trẻ đã mỉm cười và có giấc mơ thiên thần đang vỗ cánh bay lên?

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Xin lỗi con vì bố là người cha 'hư'

Bố thấy mình là đứa con bất hiếu vì sẽ làm ông nội buồn. Bố là người chồng không tốt dù cố gắng làm cũng chỉ mong cho hai mẹ con đủ đầy. Bố làm con phải thiếu thốn sự chăm sóc của cả bố mẹ.

Đêm nay không biết là đêm thứ bao nhiêu bố không ngủ được. Bố biết rằng, mẹ con còn mất ngủ nhiều hơn. Bố đã đòi hỏi mẹ quá nhiều, bố thích chơi trò "bên miệng hố chiến tranh", cũng chỉ ước mong mẹ con thay đổi, nhưng than ôi, do hoàn cảnh khác nhau, bố gia trưởng mà mẹ nông cạn. Bố vội ước ao có một mái nhà, lao đầu vào công việc kiếm tiền mà quên mất tâm tư người phụ nữ. Trong cơn nóng giận, bố mẹ đẩy hai người mãi xa nhau, xa đến mức đứt lìa tình phu phụ, đẩy con vào nghịch cảnh trớ trêu, con còn nhỏ mà gánh chịu nhiều đau khổ.

Kiếp người khổ chi bằng "sinh ly tử biệt", xin lỗi con thật nhiều, bố cũng muốn sửa sai, cũng nhún nhường và nhận mọi trách nhiệm về mình nhưng đã muộn màng khi tim mẹ con đã trở nên băng giá. Tình yêu của bố không đủ lửa để tim mẹ tan băng. Mẹ kiên quyết quá, bố đành cam chịu số phận đã an bài, tạo hóa trớ trêu.

Con gái bé bỏng của bố ơi, bố thương con biết nhường nào, nhưng không thể một lần ích kỷ nữa để mẹ thêm buồn hận, dù sao bố cũng là đàn ông, có thể chịu đựng trong xa cách, sự ân hận dày vò tâm can. Bố không dám tưởng tượng khi mẹ hận bố mà thiếu mất cả con bên cạnh. Bố có thể sống trong đau khổ vì nhớ thương con nên đành để con sống với mẹ. Mẹ có cáu gắt, con cũng nên thông cảm, đừng lấy đó làm khó nghe con, nỗi đau và vết thương mẹ mãi mang trong lòng cho đến giờ bố cũng chẳng biết tại ai, chỉ có điều bố biết mình là đàn ông, trụ cột gia đình, chỗ dựa không chỉ vật chất mà cả tâm hồn cho con và mẹ nhưng bố đã không làm được.

Bố thấy mình là đứa con bất hiếu vì sẽ làm ông nội buồn. Bố là người chồng không tốt dù cố gắng làm cũng chỉ mong cho hai mẹ con đủ đầy. Bố là người cha "hư" vì làm con phải thiếu thốn sự chăm sóc của cả bố mẹ. Bố tệ quá phải không con? Ở bên mẹ, hãy thương yêu, nghe lời mẹ nhé con, nhớ đừng nhắc đến bố nhiều với mẹ, vì trong mẹ bố là sự uất hận. Một mai con lớn hãy lo lắng cho mẹ con nhé, vì đời mẹ cũng lắm gian nan rồi.

Bố luôn yêu thương con thật nhiều, sẽ mãi theo con từng bước. Lúc buồn tủi hãy về bên bố, bố sẽ ôm con vào lòng và xoa dịu nỗi đau. Tình yêu của bố với mẹ rồi có thể sẽ không còn, nhưng tình yêu với con là mãi mãi. Con mãi là con gái bé bỏng và đáng yêu của bố. Thương con gái nhiều!
Bố của con

Gửi con, niềm hy vọng mong manh

Dù cha mẹ không cho con được hạnh phúc của một gia đình đủ đầy, nhưng hứa sẽ cho con một người cha tốt, một người mẹ tử tế. Sẽ cho con được hưởng sự giáo dục tốt nhất để con tự hào hãnh diện về cha mẹ của mình.

Mẹ và cha con ngày đêm mong có con hiện diện, mong lắm. Mẹ biết cha và mẹ sẽ hạnh phúc vô biên nếu biết có con trên cõi đời này, đó là kết quả của sự rung động, tình yêu chân thành. Cha không phải người đàn ông tốt với mẹ, mẹ không đủ bao dung hơn để mắt nhắm mắt mở trước những lỗi lầm của cha nhưng mẹ tin nếu có con cha sẽ là người yêu thương con nhất. Có lẽ sẽ yêu con nhiều hơn cả mẹ yêu, bởi chưa có mà cha luôn hăm he mẹ không được khắt khe với con, không được đánh mắng con.

Mẹ biết cha sẽ là người cha tốt nhất của con, nhưng bấy nhiêu đó thôi chưa đủ, cha không cho mẹ được niềm tin rằng cha sẽ là người chồng tốt, vậy nên mẹ không thể quyết định gắn kết đời mình với cha. Trái ngang là mẹ không muốn xây dựng một gia đình với cha, xong tình yêu mẹ dành cho cha, cho con làm mẹ cũng mong ước vô cùng được có con. Chính sự mong muốn của cha đã làm mẹ như trùng lại sự oán giận để cầu mong có con. Cha yêu con lắm đó con yêu!
Sự mong mỏi của cha và mẹ thật sự rất khó nói, bởi cha mẹ chưa gắn kết theo đúng nghĩa vợ chồng, chưa hôn thú, vậy mà luôn thỏa thuận rằng sẽ lao động cật lực để hy vọng “sản xuất” ra con. Cha mong con đến nỗi khi cha mẹ không còn gắn kết bằng tình yêu mạnh mẽ nữa, cha vẫn luôn hỏi về kết quả của những lần lao động trước, cha hỏi mẹ “Em có thấy trong người khác không, có gì đó thay đổi không?” Cha hy vọng nhiều lắm đó con, mẹ cũng vậy, không chấp nhận cha nhưng mẹ cầu mong sự xuất hiện của con để cha được thỏa ước mong, để mẹ được yêu thương vỗ về, chăm sóc một mầm sống.

Con yêu, chưa đủ ngày tháng để biết chính xác rằng có con hay không, nhưng mẹ và cha cùng cầu nguyện cho một kết quả có, dù cha mẹ không còn bên nhau. Dù có thể nếu có con, cha mẹ không cho con được hạnh phúc của một gia đình đủ đầy, nhưng hứa sẽ cho con một người cha tốt, một người mẹ tử tế, sẽ cho con được hưởng sự giáo dục tốt nhất để con tự hào hãnh diện về cha và mẹ của mình.
Con yêu, những ngày này sẽ là những ngày mẹ đong đếm từng khoảnh khắc, cho đến khi đủ thời gian để có thể đoán biết, thử nghiệm, mẹ sẽ không ngừng hy vọng, sẽ không ngừng mong cầu. Xin con hãy cảm nhận sự mong ngóng này mà ban phát cho cha mẹ một niềm vui, niềm hạnh phúc được có con. Xin đừng lên án, đừng trách giận vì sao cha mẹ ích kỷ mong có con mà không cho con một gia đình đủ đầy, con nhé. Có những điều không thể lý giải được bằng lý trí đâu con, chỉ cảm nhận được bằng trái tim, bằng cảm xúc, mong con hiểu. Tha thiết mong con…

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Nơi bình minh bắt đầu.

Anh lặng lẽ nhìn cô. Cô không khóc. Đôi mắt ngập nước mắt đang chực trào ra. Khuôn mặt cô xanh xao, yếu đuối. Đôi bàn tay lạnh ngắt. Anh nắm lấy tay cô. Bất giác, cô rụt rè bỏ ra. Anh đau lòng. Có thể anh không xứng đáng để trở thành người yêu của cô, nhưng thậm chí trên phương diện một người bạn thân, cũng không được sao?

Hắn vẫn nằm trong phòng cấp cứu. Thằng đểu ấy thật tốt số. Hắn đã có được trái tim của cô, nhưng lại không biết trân trọng. Hắn lăng nhăng với người phụ nữ khác ở ngoài. Tên khốn nạn. Sao hắn có thể bắt cá hai tay tráo trơ như thế? Hắn đã làm tổn thương cô. Đau. Đau lắm, anh có thể cảm nhận con tim cô đang ứa máu. Cô kìm nén để không bật ra tiếng khóc. Anh muốn ôm cô thật lâu, thật lâu.

Cô và anh sinh ra ở một vùng quê nghèo, đầy nắng và gió. Trong kí ức của anh, chỉ có biển. Biển lạnh lùng, dữ dội cướp đi người cha mà anh yêu thương nhất. Từ giây phút ấy, anh tự nhủ là sẽ phấn đấu có một sự nghiệp bền vững, một căn nhà to và thật đẹp để báo hiếu với mẹ.

Cô là thanh mai trúc mã với anh từ nhỏ. Gia đình cô không giàu nhưng khá giả, đủ lo cho cô mọi việc vui chơi, học hành. Cô cứ sống bình yên, vô tư, không lo lắng như thế.

Lên thành phố học đại học, kí túc xá của hai người cách xa nhau, rất ít khi được gặp mặt. Những buổi chiều chủ nhật dạo chơi trong công viên là khoảng thời gian hạnh phúc. Anh thuộc mẫu người trầm tính, bề ngoài lạnh, ít nói ít cười. Cô thì trái ngược: vui vẻ, trẻ con và yếu đuối. Anh không hay cười khi nói chuyện với cô. Đôi mắt anh kiêu hãnh, bướng bỉnh. Cô thường giận dỗi:

- Cười một cái mà cũng khó vậy sao.

Anh chỉ mỉm cười im lặng. Có lần, cô vu vơ hỏi anh:

- Giữa sự nghiệp và tình yêu, anh chọn cái gì?

Anh suy nghĩ một lúc rồi trả lời cộc lốc:

- Sự nghiệp!

Cô hụt hẫng. Với anh, sự nghiệp mới là tất cả. Cô đã nhầm.

22 tuổi cô đẹp như hoa, căng tràn sức sống. Một chàng trai khác xuất hiện theo đuổi cô. Ngọt ngào, đa tình, lãng mạn và rất biết chiều lòng phụ nữ - anh ta đã làm cô xao lòng. Cô kể chuyện cho anh biết. Nhưng anh vẫn lặng thinh, không hề tỏ chút thái độ ghen tuông gì. Có lẽ, cô với anh chỉ là một người bạn, không hơn không kém. Cô đã buồn rất lâu.


Wapma.Mobi


Năm ấy, anh đi du học ở Mỹ, hoàn thành chương trình thạc sĩ kinh tế.

Những câu chuyện giữa hai nguời chỉ còn là lời xã giao thông thường. Cô nghĩ như vậy cũng tốt. Anh đã đạt được mục đích thật sự của cuộc đời mình.

Anh trở về sau những tháng ngày học tập, lao động vất vả nơi đất khách quê người. Với tấm bằng ưu tú trong tay, anh nhanh chóng nhận được một công việc tốt, luơng cao, tương lai mở rộng. Anh tích cóp một số tiền lớn, đủ để mua cho mẹ một căn nhà. Nhưng trong anh vẫn có một nỗi niềm day dứt. Có sự nghiệp, lại sắp sửa đạt được ước nguyện bấy lâu nhưng sao anh lại không thực sự hạnh phúc. Hoài niệm về cô. Bóng hình của cô làm anh đau khổ. Anh đã sai rồi sao? Anh yêu cô, nhưng anh lại nhận ra điều ấy quá muộn.

...

Rẽ qua con phố, gần nhà, anh bước vào một cửa hàng bách hóa định mua vài thứ đồ biếu mẹ. Tiếng cãi nhau, tiếng khóc ồn ào trong cửa hàng làm anh chú ý. Có vẻ như đây là cuộc tranh luận đầy mâu thuẫn giữa một người đàn ông khá bảnh bao với hai cô gái. Anh đến gần khu vực lộn xộn:

- Anh là đồ tồi. Cô gái nhỏ nhắn hét lên.

- Cô đâu phải là vợ hay mẹ tôi mà có quyền quản lí tôi đi với người này người nọ. Cô thế kia nên mới bị thằng bồ cũ đá. Nghe nói hắn ta thành đạt lắm cơ mà. Sao còn chưa chịu đi bám lấy. Có cần tôi giúp không? Chàng thanh niên kia gân cổ cãi lại

- Đúng thế. Cô là loại phụ nữ thừa hơi, dửng mỡ nên làm cái đuôi suốt người lẵng nhẵng theo anh ấy à. Cô chẳng là cái thá gì cả. Biết điều thì cút đi cho rộng chỗ, đừng ở đây làm chướng mắt người khác. Một giọng nói đanh đá chen ngang.

Cửa hàng náo loạn cả lên. Vài người hiếu kì quay lại nhìn dò xét.

Cô nàng chanh chua kia xông vào giật tóc, cào cấu tình địch

Có tiếng đổ vỡ.

Anh chạy lại định can ngăn. Anh sững sờ. Người con gái đang bị đay nghiến là cô. Dưới chân, cậu thanh niên ôm đầu rên rỉ, vài mảnh thủy tinh cắm vào người. Có lẽ trong lúc đang kéo tình nhân của mình ra, cậu ta vô ý bị ngã. Anh lắp bắp không nói nên lời:

- Hoài Lam, em...

Cô giật mình, thảng thốt né tránh ánh mắt của anh.

- Cô còn đứng trơ ra đấy à. Đồ đần độn, không mau gọi cấp cứu đi.

Cô run run làm rơi cả điện thoại. Vài người khách tốt bụng gọi xe cứu thương giúp. Tiếng còi xe đã đi xa rồi nhưng cô vẫn chưa bình tĩnh lại được. Cô ngồi sụp xuống đất, ôm mặt khóc nức nở.

Giờ đây trong bệnh viện, cô thất thần nhìn hai chữ cấp cứu như một kẻ vô hồn. Nửa tiếng sau, mẹ của anh người yêu “ lăng nhăng” kéo đến. Theo sau là cô bồ nhí đằng đằng sát khí:

- Con hồ linh tinh. Mày phải hại chết con tao mới thỏa lòng à? Mày sẽ bị trời phạt, đồ độc ác- Bà mẹ tru tréo liên tiếp đánh cô.

- Con tao có tội tình gì chứ. Vài đồng bạc giẻ rách của mày, sợ nhà tao không có đủ tiền trả sao?

Bà ta cứ nắm lấy cô mà sỉ vả. Anh giằng cô ra khỏi người phụ nữ ghê gớm nọ. Mắt cô nhòa đi. Cô cứ cắm đầu cắm cổ chạy về phía trước.

Tai cô ù ù đi. Tiếng nói phụ tình bạc bẽo văng vẳng bên tai. Cô thật lòng khao khát một tình yêu chân thành. Nhưng thứ cô nhận được là gì? Cô đã mong ước có một cuộc sống hạnh phúc. Thậm chí cô đã chạy vạy khắp nơi để lo đủ số tiền cho anh ta kinh doanh. Bao nỗi thất vọng ê chề rơi theo làn nước mắt. Cô như người mê sảng. Tiếng còi xe tải đang đi đến mà cô cũng không nhận ra. Anh gần bắt kịp cô, hốt hoảng khi nhận ra chiếc xe đang đến gần. Anh chạy hết sức lực... Cô đây rồi. Anh nắm lấy tay áo của cô, kéo cô sang phía lề đường. Chiếc xe phanh kít lại.

- Điên à. Muốn chết sao? – Bác tài quát lên, nhìn anh và cô bằng ánh mắt giận dữ.

- Cháu xin lỗi, xin lỗi bác...Anh ngượng nghịu trả lời.

Chiếc xe tải đã đi xa. Cô vẫn ngây người đứng đó. Cô mệt mỏi lắm. Cô ước ao có một bờ vai để tựa vào. Người cô mềm nhũn ra. Chân cô khuỵu xuống. Trời đất quay cuồng. Trước mắt cô là màn đêm âm u.

Cô tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Xung quanh cô im lặng đến rợn người. Ngoài cửa sổ, những cơn gió vô tình thổi qua. Vài chiếc lá chao nghiêng rồi kết thúc cuộc đời nhẹ nhàng, bình thản. Cô thấy tờ giấy của anh để trên bàn:

- Anh phải đi họp. Em tỉnh dậy nhớ uống thuốc và ăn cháo nhé. Chờ anh.

Cô đau xót thầm nghĩ: “ Lúc nào cũng công việc. Đối với anh, tôi thậm chí chẳng bằng một bản hợp đồng”.

Anh bước ra khỏi ngân hàng. Trên tay cầm một số tiền lớn. Đó là công sức, nỗ lực của anh suốt bao năm qua. Anh không ân hận. Mẹ anh rồi sẽ hiểu.

Anh trở lại bệnh viện. Không có cô, tất cả trống trơn. Anh hỏi mấy cô y tá, họ nói cô vừa mới bỏ ra ngoài. Anh cuống cuồng chạy khắp bệnh viện tìm cô. Cô yếu như vậy, còn đi đâu được? Anh thật đáng trách, sao lại bỏ cô ra ngoài vào lúc này. Nhỡ xảy ra việc gì với cô, anh sẽ ân hận suốt đời. Vì anh yêu cô nhiều hơn anh tưởng. Anh chưa từng nghĩ một ngày nào đó sẽ mất cô.

Anh đã đến chỗ cô ở, đi qua những nơi cô thường tới nhưng vẫn không tìm thấy cô. Anh thực sự rất lo lắng, lòng anh đầy bất an. Trời đã sẩm tối. Cả ngày anh chưa có chút gì vào miệng. Bụng đau quặn lên. “ Em ở đâu? Em ở đâu?” Anh vừa đi vừa lẩm bẩm. Mọi người xung quanh quay lại ái ngại nhìn.

Anh cứ lang thang trên đường tìm cô. Một chiếc ô tô va quệt vào anh. Người lái xe thuơng cảm xuống hỏi han. Anh chỉ im lặng. Anh như kẻ vô hồn. Đầu rớm máu, chân tay xây xát, tay áo bị rách toạc ra.

Trời đổ mưa. Đêm xuống, cái lạnh len lỏi vào nơi sâu thẳm con người. Anh vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Người trên đường vắng dần. Anh lạc đến một con đường hoàn toàn xa lạ. Mưa như trút nuớc xuống. Bước vẩn vơ xuống cuối con đường, anh tìm thấy cô. Cô đứng dưới một mái hiên, người run lên vì lạnh. Anh mừng rỡ, cuống quýt ôm chầm lấy cô.

- Em đã đi đâu thế? Em có làm sao không? Em đang bị ốm đó.

Cô lạnh lùng trả lời:

- Đối với anh, sự nghiệp vẫn là tất cả. Anh còn tìm tôi làm gì? Tôi đã mất hết rồi.

Cô muốn bỏ tay anh ra. Nhưng người anh mềm nhũn, toàn thân nóng ran. Tay cô dường như ôm trọn lấy anh. Đôi mắt anh mệt mỏi, khuôn mặt tái nhợt đi, hơi thở khó nhọc:

- Nếu có thể quay lại, anh sẽ không bao giờ suy nghĩ lầm lạc như vậy. Anh đã sai rồi. Xin lỗi em vì tất cả.

- Anh yêu em. Anh yêu em.

Cô khóc, anh cũng khóc. Nước mắt hòa làm một. Anh lịm dần đi. Đôi mắt nhắm chặt:

- Anh làm sao thê? Anh mở mắt ra đi.

- Vĩnh Khải, anh đừng ngủ. Em tha thứ cho anh mà. Anh tỉnh lại đi.

Cô đau xót nhìn những vệt máu trên áo anh. Sao anh lại ngốc như vậy, sau lại vì cô mà tự làm khổ mình.

Cô cứ ôm anh như vậy cho đến khi còi xe cấp cứu rú lên trong đêm.

Mặt trời ló rạng. Những tia nắng đầu tiên ấm áp len lỏi vào phòng. Cô mỉm cuời nhìn anh ngủ. Cô tìm thấy trong nguời anh biên lai chuyển tiền tới nơi cô đã vay muợn. Giờ thì cô đã hiểu tất cả.

Cô vuốt ve khuôn mặt hiền hòa của anh và thầm thì:

- Khi nào anh tỉnh lại, biết đâu em sẽ cầu hôn anh!

Gởi em, người vợ của tôi!

Âu cũng là số phận, một lần đổ vỡ là một lần đau khổ, tan nát nhưng anh quyết định không bao giờ níu kéo, khi em không còn hình bóng anh nữa.

Hôm trước, em không tôn trọng anh, em tắt máy, anh nói sẽ không bao giờ anh nghe điện thoại của em, nhưng anh đã suy nghĩ thật kỹ, anh gọi cho em vì chúng ta cần thêm một cuộc nói chuyện.

Anh về cơ quan mới, công việc mới cũng chưa ổn định, bạn bè thân thiết anh càng không có, còn em công việc cũ, bạn bè cũ, trong bối cảnh hai đứa đang có chuyện buồn thì em có nhiều ưu thế hơn anh. Anh không so sánh mà anh chỉ muốn em biết em có nhiều cơ hội để giải tỏa nỗi buồn hơn anh. Còn nếu em nói anh có mẹ bên cạnh, có anh hai bên cạnh thì anh hỏi em mẹ và anh hai có sống đời với anh mãi được không? Có tâm sự với anh hết mọi chuyện được không? Nếu có thì đâu có ai cần lấy vợ hay lấy chồng làm gì?

Trong thời gian qua, anh ở một nơi, em ở một nơi, lại là đỉnh điểm của sự tan rã, bên cạnh em có bạn bè, đồng nghiệp hay có những đối tượng nhân dịp này mà tiến tới với em. Anh và em hãy xếp lòng mình lại, không liên lạc với nhau nữa, vì tình cảm không thể ép buộc, trong lúc này nếu có ai đến với em thì trái tim em sẽ lên tiếng.

Lúc anh và em lấy nhau, đứng trước bàn thờ tổ tiên hai họ, anh không nghĩ sau hai năm chúng mình sẽ sứt mẻ, chia tay, nếu biết trước có ngày hôm nay, anh và em đã không lấy nhau để bây giờ phải bận lòng cha mẹ hai bên. Hoàn cảnh gia đình anh, em biết rồi! Ba anh mới mất, mẹ anh chưa nguôi nỗi buồn, giờ này mẹ càng thêm buồn khi thấy con cái trong cảnh đổ vỡ, anh thấy day dứt lắm!


Wapma.Mobi


Em nghĩ thế nào khi em chuyển chỗ trọ mà không cho anh biết! Theo anh đời người có ba quyết định quan trọng đó là quyết định về sự nghiệp, hôn sự và nơi ăn chốn ở, vậy mà em không bàn bạc với anh, em có xem anh là chồng em không? Hay lúc đó lòng em đã bay đi nơi khác.

Bây giờ, em nói cần một số tiền cho ba mẹ em, vậy ngày xưa, ngày mình đến với nhau em có đặt vấn đề với anh không? Hay đây chỉ là cái cớ để em nắm níu ở lại Thành phố? Chẳng lẽ, muốn làm ra tiền thì ai cũng phải lìa xa chồng, lìa xa vợ sao em? Đã như vậy thì mọi người lấy nhau làm gì? Qua việc em dọn nhà không báo anh biết, qua việc em đặt vấn đề tiền bạc, và qua những biểu hiện gần đây của em đã làm cho anh hiểu rất rõ, em không còn là em của ngày xưa, em lúc anh quen và cưới. Vậy thì nắm níu nhau làm gì, anh không nói anh lúc nào cũng đúng, anh lúc nào cũng tốt, trong thời gian làm chồng, anh có những sai sót nhỏ, có những sai sót lớn nhưng anh đã tự nghiệm lại và sẵn sàng sửa chữa những sai sót đó bằng tất cả thiện chí của mình, nhưng em nào có cho anh cơ hội? Hay những sai sót đó, nay trở thành lợi thế để em buộc anh. Em à! Những khuyết điểm không làm nên sự đổ vỡ hôm nay, mà chỉ là nguyên cớ che lắp những gì khác bên trong, anh hiểu, em hiểu, và mọi người trong gia đình điều hiểu, nhưng không ai nói ra thôi.

Anh nghĩ từ bây giờ đến ngày tòa xét xử, anh không muốn nhận điện thoại của em nữa, không phải vì anh giận em mà anh muốn hai đứa mình tỉnh táo, để trước khi quyết định chuyện quan trọng của đời mình. Anh xác định với em thêm một lần nữa, anh không phải là thằng đàn ông lấy vợ rồi bỏ vợ, mà là do em, một người phụ nữ á đông đã lấy chồng nhưng chưa hiểu được câu nói “Xuất giá tòng phu”. Âu cũng là số phận, một lần đổ vỡ là một lần đau khổ, tan nát nhưng anh quyết định không bao giờ níu kéo khi em không còn hình bóng anh nữa.

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Con gái của bố


Bố nào mà chẳng thương con. Con nào mà chẳng yêu bố. Nhưng bố người ta một thời hư hỏng làm vợ và con đã khổ đau. Rồi người mẹ đã ra đi trong bệnh tật. Bố đã quay lại sống với hai con. Bố đã làm tất cả vì các con. Vì nỗi đau quá lớn nên con không tha lỗi cho bố. Ngày con lấy chồng một bữa ăn chia tay không ai ăn được miếng nào dù rằng bố đã dốc hết túi để làm cơm. Những giọt nước mắt đã chảy như mưa vì cô gái nói mình không có bố. Và bố chỉ là vị khách mời như bao người khác. Sau đó những tháng năm dài bố theo dõi con bằng những cái nhìn từ xa... Đó là chuyện của người ta.
Chuyện của ba con mình hay hơn nhiều ba à. Ba là người bố biết chăm chút gia đình ngay từ khi đặt tình yêu của ba vào tay của mẹ. Ba trân trọng từng giây phút khi ở bên vợ con. Ba thương yêu vợ con hơn thân mình. Ba che chở cho con bằng tất cả những gì ba có.
Nhớ những ngày gia đình mình nghèo quá đỗi, cả gia đình sống trong một nếp nhà tranh vách đất và nền nhà cũng bằng đất nốt. Ba là y tá, mẹ là thợ may. Thu nhập của ba mẹ quả là quá nhỏ nhưng trong bàn tay mẹ với tình yêu to lớn nhất mẹ đã vun vén để gia đình luôn có tiếng cười rúc rích như pháo hoa. Được là con của ba mẹ luôn là hạnh phúc lớn nhất trong đời này. Con đã có được điều đó. Ba chở con đi học bằng chiếc xe đạp. Dù không có tiền nhưng ba cũng dúi vào tay con khi thì gói đậu phộng luộc, khi thì cục kẹo... Những điều nhỏ nhoi ấy đã theo con suốt những ngày còn thơ đến tận bây giờ. Ngày nay tiến bộ nhiều nhưng con vẫn nhớ hương đậu phộng luộc ngày ấy, nhớ vị kẹo bột ngọt và cay nồng mùi gừng. Con không ăn hết lúc nào cũng để lại, để chiều về chị em lại ngồi ăn... Vui nhỉ. Ừ những điều nho nhỏ nhưng nghĩ lại thấy ấm lòng. Em đòi ăn kẹo nhưng cắn phải miếng gừng cay lại khóc váng nhà. Ba lại dỗ em.
Những ngày con còn nhỏ ba cùng con cái chơi đùa dưới giàn hoa giấy trước cửa nhà. Ba làm trò cho em ăn cơm. Em cười ba liền đút miếng cơm vô miệng. Ba công kênh em lên hái hoa. Những chùm hoa giấy màu hồng em cài lên tóc ba. Em cười ôm đầu ba.
Có những sáng chiều ba chở con trên chiếc xe đạp đi chơi. Ngắm những ngôi nhà nho nhỏ, những đàn trâu bò trên cánh đồng cỏ xanh. Hai cha con cùng đi trên con đương nhỏ trong xã nhà mình. Bình an nhiều lắm phải không ba. Ngày ấy không có nhiều xe như bây giờ. Thi thoảng có vài chiếc xe đạp chạy ngang qua cùng tiếng chào hỏi rộn rã. Đi đâu cũng có tiếng cười nói râm ran. Người người mời nhau vào nhà chơi.
Thế rồi con cái ngày một đông nhưng ba mẹ vẫn chăm chút từng đứa một. Những trò chơi trẻ con diễn ra trong căn nhà nhỏ và đơn sơ như không thể đơn sơ hơn. Nhưng con mẹ vẫn được học hành đầy đủ. Những món ăn đơn sơ như rau củ quả trong vườn nhà cũng đủ làm cả gia đình bình an. Những chân sáo leo trèo khắp nơi khắp chốn trong vườn nhà. Và tiếng í ới gọi nhau. Vui nhỉ. Phải không ba?
Nhà mình nghèo nhưng vui vì ấm tình cha mẹ. Ba tốt hơn hết thảy những người đàn ông trên thế giới này. Ba không mắc sai lầm nào cả. Ba đã sống cả một đời vì vợ vì con. Cám ơn ba đã cho con làm con gái ba.
Nhưng sai lầm nào cũng có thể sửa được phải không bố. Con gái của bố không có những kỷ niệm yêu thương quý giá như tất cả mọi người hay sao. Con gái của bố lạnh lòng đến thế à. Nỡ lòng nào mình ôm hạnh phúc trong lòng để bố vẫn khắc khoải chờ tin con. Nỡ lòng nào khi thấy đau khổ dằn vặt trong lòng bố. Những xót xa nào đè nặng trong lòng bố mà con cứ làm ngơ cho qua. Hãy tha thứ tất cả cho con bố nha con gái. Hãy trở về căn gác mà bố vẫn chờ hàng ngày, hàng đêm... Hãy trở về để nhìn vào mắt của bố và nói: con yêu bố lắm bố à.